Những cái nhập nhằng không tên
Kể từ ngày 30 tháng Tư năm 1975 đến nay là đã hơn ba mươi năm. Lớp người chạy trốn cộng sản bỏ nước ra đi đợt đầu tiên (1975) và làn sóng vượt biên, vượt biển đợt hai (1979-1980s) cho đến nay thì đã già/non suýt soát một thế hệ. Gần nhất nữa là đợt tỵ nạn nhân đạo của các nhóm HO, con lai, cũng như đoàn tụ gia đình vào thập niên 90 cho đến hiện tại. Hơn 30 năm đủ để thế hệ con cháu của những người ra đi đầu tiên và đợt vượt biên trưởng thành và bắt đầu sự nghiệp.
Các em thuộc thế hệ thứ nhì nay bắt đầu hội nhập vào cuộc sống. Việc con em người Việt tỵ nạn hoà đồng sinh hoạt rộng hơn trong các hội sinh viên Việt Nam và tổ chức thiện nguyện tùy thuộc vào hai nguyên nhân chính: (1) không tham gia, nếu bị cô lập do không quen thuộc với ngôn ngữ mẹ đẻ và đã quen lối sống riêng trong dòng chính trọng cá nhân chủ nghĩa và mãi băn khoăn đi tìm cái Tôi; hoặc (2) có tham gia, vì đã từng sinh sống ở môi trường đa sắc dân hay do cơ hội đưa đẩy trong lúc cảm thấy trống vắng.
Trong môi trường đại học, một đội ngũ giới hàn lâm thiên tả với nhãn quan da trắng sinh sôi lớn mạnh và tiếp tục sứ mệnh lên lớp bài học lịch sử lệch lạc về cuộc chiến Việt Nam. Ngoài đời thường, hàng ngày, hàng giờ các em học hỏi giao tiếp và đi cùng nhịp với mạch điệu thiên vị chính thống đầy thiên lệch. Dĩ nhiên, khi cách thức sinh hoạt này trở thành cơm bữa thì việc cư xử đi ngược với văn hóa và cách sinh hoạt của cộng đồng người Việt tỵ nạn là chuyện tất nhiên.
Kết quả là từ đó mầm mặc cảm tự ti vô thức gieo trồng lần lần vào đầu óc các em. Đến khi bị đồng hóa và tiếp thu tiềm ẩn phân biệt chủng tộc mà cũng không biết. Cụ thể nhất là cái vô thức đen tối thăm thẳm này đã ảnh hưởng đến cách ứng xử và hành động khi liên hệ với cộng đồng và Việt Nam.
Các em dấn thân làm việc cho các tổ chức, cơ quan phục vụ xã hội bất vụ lợi (non-profit) vì mang ước vọng phục vụ xã hội nhất là đóng góp cho “cộng đồng”. Oái ăm thay, các tổ chức này vì cần ngân quỹ để hoạt động và để bảo tồn sự sống còn của riêng mình nên họ làm việc cầm chừng và phục vụ quyền lợi riêng (self-interest) nhưng luôn nghĩ vị trí “ban ơn” của mình to tát. Họ nhất định không đi xa hơn giới hạn của công việc và từ khước các phản kháng chống lại áp bức bất công. Hậu quả là các cơ quan này, dù biết hay không, trở thành một công cụ trong một guồng máy tiếp tục duy trì hệ thống cấu trúc không công bằng nằm sẵn trong các chính sách công cộng và phúc lợi xã hội (public and welfare policies). Mọi hoạt động của các tổ chức này không khác gì hơn là dán băng tạm vào vết thương sâu. Tuy nhiên họ không (muốn) tìm hiểu vì sao và ai gây ra các vết thương sâu hay tấy đau đó. Đây là cái nhập nhằng thứ nhất: cơ quan bất vụ lợi và duy trì cơ cấu bất công.
Đi xa hơn nữa là công tác từ thiện và gây quỹ giúp đồng bào khốn khổ Việt Nam không chỉ với lớp trẻ thế hệ thứ hai. Bao nhiêu câu ca dao tục ngữ của truyền thống nhân hậu “máu đổ ruột mềm”, “lá lành đùm lá rách” đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt. Thêm vào đó là việc làm công quả, làm phước mong được hưởng ân phước kiếp sau, hoặc hứa hẹn thiên đàng ở nước trời. Vừa có tiếng thơm, lại vừa có phước thì ai lại chẳng muốn làm! Nhưng đặc biệt hơn, không ít người đứng ra lập hội từ thiện cốt để dựng lên cột tín chỉ đạo đức, và tạo gạch nối cho những công việc liên quan đến nghề nghiệp riêng tư. Một hình thức mua tín chỉ cho người có khả năng tài chánh mộng làm “trùm”. Dường như lại có khá nhiều người trong đám đông bị ám ảnh từ nhu cầu cần cả hai tín chỉ, một là học vị và hai là đạo đức, để hãnh tiến. Đó là cái nhập nhằng thứ hai: tổ chức từ thiện và tín chỉ đạo đức.
Người ta dễ dàng núp sau tấm khiên “từ thiện” và chiếc áo giáp “văn hóa” để không dính dáng gì cả về mặt “chính trị” và giúp cho họ được an toàn địa vị. Nhưng nói thế mà không phải vậy. Những việc làm từ thiện và văn hoá luôn chứa đựng một hàm ý chính trị thực tiễn. Chúng ta có thể không tham gia chính trị “đảng phái” nhưng tất cả mọi hành vi - dù ít dù nhiều và thậm chí ngay cả nếu “bình chân như vại” - của mình cũng đều mang tính chính trị liên hệ đến quyền công dân và xã hội dân sự. Đó là quyền và trách nhiệm của một công dân trong một nước và là con người sống trên trái đất. Yêu đất nước không đồng nghĩa với yêu chính quyền hoặc mến mộ chính sách của nước đó. Yêu nước là phải biết phản kháng lại khi chứng kiến khổ đau ngày càng tích tụ không đếm kể do các chính sách bất công, chính sách độc tài, chính sách nước lớn, chính sách kỳ thị - dù ở nội địa hay đối với nước ngoài. Yêu nước là năng nổ xốc vác để tranh thủ và cổ súy cho phong trào tự do, dân chủ, dân quyền, nhân quyền cho mọi người. Yêu nước là không mù quáng theo tiếng gọi cảm tính mang màu sắc phe phái, cục bộ, địa phương, dân tộc hẹp hòi. Đây là cái nhập nhằng thứ ba: “phi chính trị” và yêu tổ quốc chung chung (lung tung).
Thử đọc một bài báo của Tuổi Trẻ Online tại Việt Nam tường thuật về buổi trại hè với một nhóm thanh niên Việt hải ngoại được gọi là “trại sinh” tham dự chương trình “Hành trình di sản quê hương”:
Cũng tại buổi chia tay, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Lâm Phương Thanh khẳng định: “Công tác thanh niên ở nước ngoài là một trong những nội dung được Trung ương Đoàn đặc biệt quan tâm. Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, Đài truyền hình Việt Nam thực hiện các chương trình dành cho bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài…“.
Chia sẻ thêm với các bạn trẻ kiều bào có mặt hôm nay, Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang gửi gắm thông điệp: “Quê hương Việt Nam chúng ta rất đỗi yêu thương, dung dị, nghĩa tình và sẵn sàng đón nhận các bạn trở về đất mẹ”.
Suốt hành trình 15 ngày dọc chiều dài đất nước, các trại sinh đã được tham quan những danh lam thắng cảnh của quê hương. Hơn thế nữa, các bạn còn bày tỏ niềm xúc động khi được tham gia các hoạt động truyền thống như hành hương về đất tổ Vua Hùng, viếng nghĩa trang Trường Sơn, giao lưu “Những đóa hoa bất tử” về 10 cô gái đã hi sinh trên tuyến lửa tại ngã ba Đồng Lộc. Nhưng có lẽ nhiều bạn cũng sẽ in sâu dấu ấn về tinh thần anh dũng, mưu trí của người dân đất thép Củ Chi khi tham quan đền Bến Dược, chui địa đạo Củ Chi…
Chỉ qua hai đoạn trên thì ta cũng thấy rõ hoạt động chính trị vận, kiều bào vận, sinh viên vận luôn sát kèm vào tất cả sinh hoạt để họ có thể lấp liếm vàng thau lẫn lộn: đem những cái của Đảng và “chính trị bộ” ráp gắn với văn hóa và truyền thống dân tộc. Di sản quê hương bị tiếm đoạt làm món hàng đánh bóng cho truyền thống “đánh giặc cứu nước” của “Đảng ta”. Những kẻ chóp bu ấy luôn chỉ đạo các nhóm cấp dưới làm nhiệm vụ tuyên truyền vẽ vời không ngừng một đất mẹ huyền thoại bên kia bờ đại dương với chiêu bài “xây dựng đất nước” để dụ dỗ kích thích các em bằng các hình ảnh đói khổ nghèo nàn do hậu quả chiến tranh. Lời mời chào “yêu tổ quốc và yêu quê hương” lẫn lộn với yêu xã hội chủ nghĩa, yêu chính quyền và chính sách cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện hành. Một nhập nhằng yêu nước của kẻ bịp bợm.
Sau ba mươi năm, một thế hệ người Việt hải ngoại đã thành đạt trong khoa cử, thương mại, và chính trường. Vì tâm thức “tước hữu ngũ, sĩ cư kỳ liệt - dân hữu tứ, sĩ vi chi tiên”[1] tạo nhu cầu tiến thân vượt trội, nên “cờ mũ cân đai” gây ảnh hưởng hay đạt vị thế xã hội cũng tăng dần. Nhu cầu này đi song song với một đòi hỏi bất khả thi trong khá nhiều đổi chác. Cái giá phải trả cho các đổi chác này là sự “im lặng”. Im lặng dù biết mình đồng lõa với bất công, che mắt với dối trá, làm ngơ với áp bức bóc lột. Sự đổi chác này không chỉ qua các thoả ước bằng lời mà còn từ những “luật chơi” ngầm được tự động thi hành. Các luật chơi này hoàn toàn có tính cách “tự hiểu” do đã ăn sâu trong suy nghĩ và không cần bị mua chuộc, áp lực hay bắt buộc. Do đó các luật chơi này được tuân thủ răm rắp. Những người “thức thời” luôn là kẻ cặp kè với người quyền thế, để được bao chống, nâng đỡ, vừa có ô che lại được bệ đỡ không sợ mưa nắng, không sợ té ngã. Đây không phải chỉ là những người hay cơ sở sợ “bể nồi cơm”. Đây còn là giới trí thức “thức thời” luôn nhìn xuống đám dân đen, người lao động, người phục vụ như là công cụ để lèo lái, để ban phát ân huệ và tự cảm là người tốt bụng rộng rãi.
“Há miệng mắc quai” và “Ngậm miệng ăn tiền”, hai câu tục ngữ tuy hai là một. Há miệng để ăn nên không ngậm miệng thì cũng đành ú ớ. Chúng ta đã thấy lắm “chuyện dài cộng đồng tỵ nạn” nhan nhản ở địa phương mình và thở dài thất vọng. “Phân”[2] xanh “phân” tươi, vừa thấy là tranh giành chụp giựt. Thực ra cũng không đáng phải quá thất vọng khi thấy hiện tượng này xảy ra trong một xã hội xô bồ. Nhưng nó xảy ra như cơm bữa thành ra có người phải lên tiếng là “cái cộng đồng mình nó là như thế đấy!” Và kẻ “thức thời” hăm hở vin vào mà thốt lên rằng, “thế thời thời phải thế!”. Phải chăng đám đông thầm lặng đều thức thời, theo mô hình cho một cộng đồng “gương mẫu” (model minority) là chăm chỉ hạt bột, tuân thủ, tòng phục, cúi mặt làm ngơ? Đó là cái nhập nhằng thứ tư: sự “thức thời” của giới trí thức và đám đông thầm lặng.
Những năm gần đây ta thấy có một làn sóng ngầm của người di dân từ Việt Nam sang hải ngoại, từ du học sinh đến tạm thời ngắn hạn hoặc ở dài hạn với giao kèo việc làm, đến lao động xuất khẩu trá hình dưới các hình thức khác nhau. Đã thấy các cơ sở thương mại dần dần đổi chủ sang tên không liên hệ gì đến cộng đồng người Việt tỵ nạn. Bắt đầu đã có người đứng đầu hay mang nhiệm vụ liên hệ cho hội “đồng hương” không còn là người Việt tỵ nạn. Rõ hơn hết trong đợt “di dân” này là số du học sinh các trường đại học cộng đồng và hậu đại học. Nhờ làn sóng này, không ít người Việt hải ngoại được thăng quan tiến chức do nhu cầu phục vụ hay sử dụng du học sinh. Và cũng không thiếu người đã thấy được thành phần này sẽ trở thành nguồn lợi nhuận lớn từ khâu A đến khâu Z cho đến khi họ đạt được mảnh bằng “con” (và có thể kéo dài nếu họ quyết định không về nước). Ngoài việc trở thành nguồn lao động nghiên cứu rẻ cho các học giả “hàn lâm” (để thâu thập tin tức dữ kiện từ các chốn sinh hoạt cộng đồng Việt hải ngoại như chùa chiền nhà thờ), du học sinh còn trở thành món hàng công khai bán chạy. Vì họ có nhiều chất xám (chẳng hạn sinh ngữ và kiến thức) hơn diện lao động ở chui hay bán thân. Món hàng hấp dẫn mới nhất này được rao mời, và đưa vào một mạng lưới dây chuyền lao động trong nhà hàng ăn tiền mặt, qua nơi thuê trọ. Dịch vụ cũng có thể bao gồm cả hệ thống hút sách, tiêu pha, đàn đúm nếu là con cán bộ giàu có. Đàn đúm không chỉ trong vòng nội bộ du học sinh. Họ đang dần dần bành trướng trong phương sách “sinh viên vận” để tạo sinh hoạt thân thiện gần gũi trong khi xâm nhập vào các hội sinh viên người Việt hải ngoại thuộc thế hệ thứ hai.[3]
Trong khi đó, thị trường Hoa Kỳ không còn hấp dẫn cho đầu tư. Chất xám thì không được trưng dụng hay mua rẻ mạt. Lý do là kỳ thị chủng tộc vẫn còn nằm sâu gốc rễ trong xã hội. Số lượng tư bản và trí tuệ Việt hải ngoại do đó chuyển hướng quay đầu trở về quê cha đất tổ. Họ xăng xái đầu tư, “xây dựng” đất nước. Họ viện cớ không mắc cỡ câu “đất nước mình đã thay đổi nhiều”. Có thay đổi chăng chỉ là cái bộ mã tự do thương mại để giới lãnh đạo trong Đảng tự tung, tự tác lạm quyền đổi chác, bán đổ, bắt tay với kẻ cơ hội làm giàu riêng. Cái bình phong quái thai “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do một thiểu số chóp bu trong Đảng Cộng sản Việt Nam dựng nên để che đậy lấp liếm cho chính sách độc tài, bán nước, hại dân, tiêu tan đạo đức, phá hủy môi trường, vét sạch tài nguyên.
Thế nhưng đau đớn thay vẫn có hết loạt này đến loạt khác về Việt Nam không những cố quên lịch sử mà còn nhắm mắt trước những đàn áp bất công trước mắt. Họ lao vào vầng hào quang cá nhân thành “người đương thời” để ăn trên, ngồi trốc. Họ cứ sống chết mặc bay và tiếp tay với quan quyền bản xứ như kẻ thực dân mới. Nếu người “đương thời” có được đưa lên tận mây xanh qua truyền thông báo chí mà lại bị vừa đập vừa xoa trước mặt khán thính giả để chửi khéo và làm nhục rằng “anh đã mất gốc” thì cũng vẫn làm.[4] Tư bản xanh chạy vào, tư bản đỏ chạy ra. Tiền máu, tiền mồ hôi lẫn lộn ai nào biết được! Bóc lột thực dân mới, bóc lột giai cấp với đảng trị được vận chuyển xoay vần trên danh nghĩa thị trường mở cửa. Một môi trường cho người bóc lột người trong hổ lốn của chế độ đảng quyền, tư bản rừng rú, và tri thức vô tâm. Lần là, những liên hệ tình cảm, đối tác thương mại, và hoạt động trong mạng lưới tổ chức phi chính phủ (NGO hay Non-Government Organizations) tạo ra các ràng buộc khiến các cá nhân hay nhóm này (dù vô thức hay có ý thức) xuôi lòng thoả hiệp - dưới danh nghĩa hoà giải - với chính sách độc tài, hại dân, bán nước.
Mới đây, vào ngày 14 tháng 10 năm 2008, tổ chức từ thiện phi chính phủ PeaceTrees Vietnam đã khoản đãi Đại sứ CS Lê Công Phụng tại Câu lạc bộ Thể thao Washington (Washington Athletic Club hay WAC) thuộc thành phố Seattle. Bốn tổ chức bảo trợ chính cho buổi khoản đãi này là tập đoàn luật gia DuBois Law Firm, hãng máy bay Boeing, công ty đầu tư Russell Investments, và WAC. Tổ chức phi chính phủ nhưng lại có các hoạt động hoàn toàn không phi chính trị, phi vụ lợi. Một cuộc giao hữu thuần túy hay để đánh bóng phô trương bề ngoài cho nhà cầm quyền Cộng Sản, và cò mồi cho các đối tác thương mại (tư vấn luật pháp, máy bay, và đầu tư) gặp nhau? Tiền máu cũng dễ dàng tẩy rửa và trao tay để sạch và mới như toanh.
Hai tuần sau đó, bà Jerilyn Brusseau, đồng sáng lập viên và chủ tịch tổ chức PeaceTrees Vietnam, lại được trân trọng mời làm diễn giả chính trong buổi dạ tiệc hàng năm của Hội Luật gia Người Mỹ gốc Việt TB Washington (VABAW) tổ chức ngày 28 tháng 10 năm 2008.[5]phát triển và xây dựng hay là bóc lột thực dân mới và bóc lột giai cấp đảng trị? Đây là cái nhập nhằng đa tầng trong/ngoài, tư/công rối răm:
Những nhập nhằng không tên với biên giới mỏng manh giữa cái thiện và cái ác nên dễ lầm lẫn hoặc lấp liếm. Cái ác bao giờ cũng được tô điểm mỹ miều và bọc đường ngọt ngào; con quỷ đỏ luôn mặc áo choàng lấp lánh chói lòa. Sau khi chiêm nghiệm về những nhập nhằng đã nêu tên, thiển nghĩ rằng chúng ta sẽ phân biệt được thực, hư để khỏi vướng vào thoả hiệp với cái ác mà hành động theo tình người và lẽ phải.
2009 Vi Nhân
Ghi chú:
[1] “Trong năm chức tước làm quan thì kẻ Sĩ là oanh liệt, trong bốn nghề nghiệp thì kẻ Sĩ cũng là trên hết.” Trích thơ “Kẻ sĩ” và “Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Công Trứ.
[2] “Fund” là nguồn ngân quỹ - công hoặc tư - xuất ra để trợ cấp cho các hoạt động an sinh xã hội, văn hoá, nghệ thuật, v.v…
[3] Mới đây nhất là sự kiện mừng xuân Kỷ Sửu 2009 tại hội Tết in Seattle (mà BS Kiet Ly hay Lý Anh Kiệt là giám đốc điều hành) tại Seattle Center. Thành phần du học sinh Việt Nam từ trường Seattle Central Community College và một số trường cộng đồng khác đã tham gia đề án “Tuổi trẻ và Ước mơ” do bà Judith Henchy, nhân viên thư viện của Trung tâm Đông Nam Á tại trường đại học UW, cùng phối hợp với nhân viên Seattle Public Library phụ trách. Vì “nhầm lẫn” nên cờ đỏ CSVN đã chễm chệ đính lên trên bản đồ nước Việt treo trong phòng triển lãm. Chỉ đến khi các vị HO đến xem chợ Tết thấy và phản đối thì cờ này mới được gỡ xuống.
[Một vài sự kiện khác không kém quan trọng về hiện tượng du học sinh trà trộn vào hội sinh viên người Việt hải ngoại thuộc thế hệ thứ hai: (1) tại khuôn viên trường đại học UW này, du học sinh Việt Nam khắp Seattle thường hội tụ họp hành để tham gia tích cực vào đề án Kids Without Borders; (2) năm nay hội sinh viên UW (VSAUW) thuộc thế hệ thứ hai người Việt hải ngoại cũng đã nối tiếp bước đường "thành công" qua cuộc thi hoa hậu "Miss Vietnam Washington" tại hội Tết in Seattle. Họ đã gây quỹ cho một bệnh xá "lưu động" Việt Nam và đang muốn đạt chỉ tiêu 20.000 USD. Họ sẽ cử sinh viên trong hội về cùng với cơ quan thiện nguyện trung gian Wellness Global Foundation (www.wellnessglobalfoundation.org) của một bà "Việt kiều yêu nước" và "công dân danh dự" của VN nhiều năm bị chống đối ở Bỉ. Hai thành viên hội đồng quản trị ở Hoa Kỳ giúp đỡ là bà con của bà ở tiểu bang Colorado, và ông BS Giáo sư Y khoa của đại học UW, Khu Tiêu hóa tại nhà thương VA Puget Sound, Seattle. Hội sinh viên UW đã gây quỹ hai kỳ: (2a) ngày 28-2-2009 tại nhà hàng Tea Palace được 10.000 USD; và (2b) cuộc thi Hoa khôi Liên trường ngày 18-4-2009 tại trường UW. Trong khi đó, không biết lý do gì mà các tin tức điện thư nhờ chuyển gởi cho các thành viên của hội sinh viên UW để các em có cơ hội am tường về các vấn nạn thiết kế đô thị tại Little Saigon Seattle đã bị ngăn cản, bưng bít gần một năm nay. Các sinh viên UW đã vướng vào các hoạt động nhập nhằng này.]
[4] Henry (Hoang) Nguyen hay Nguyễn Bảo Hoàng - con trai út của Nguyễn Bang, một cựu phụ tá thứ trưởng chính phủ Việt Nam Cộng hòa, đã được Tạ Bích Loan - người điều khiển chương trình - cho ăn “củ chuối” vào phần mở đầu của cuộc phỏng vấn trong chương trình “Người đương thời” trên đài VTV1 phát hình ngày 07-05-2006 tại VN.
(Trích: http://topviet.blogspot.com/2008/11/daugher-of-srv-prime-minister-nguyen.html)
Trái chuối là một ẩn dụ ám chỉ người Mỹ gốc Á châu bên ngoài thì vẫn da vàng nhưng trong ruột thì trắng tượng trưng việc chọn lối sống suy nghĩ coi trọng văn hóa người Anglo Saxon. Đây là những người, vì đã bị hay muốn được đồng hóa, không gìn giữ văn hóa của các thế hệ đầu tiên của họ mang theo khi mới di dân đến Mỹ. Tuy nhiên, chương trình “Người đương thời” này vẫn mệnh danh cho Nguyễn Bảo Hoàng là “Ẩn số đến từ Harvard”, và là “thế hệ Việt kiều thứ 2 về đóng góp, làm giàu cho quê hương.” Trong khi đa số tất cả các đóng góp ý kiến sau khi xem chương trình TV đông nhất người biết đến này đều cho anh Henry (Hoang) Nguyen là thần tượng, một quý thính giả với bút danh “Con Quốc Quốc” đã phát biểu như sau:
“Ẩn số đến từ Harvard Nguyễn Bảo Hoàng có lẽ là một trong những đáp số chính xác nhất cho nghị quyết 36 về người VN ở nước ngoài của ban BTTƯ Đảng CSVN.”
(Trích: http://nguoiduongthoi.com.vn/Desktop.aspx/NhanVatNDT/Nhan_vat/An_so_den_tu_Harvard/)
[5]VABAW’s Fourth Annual Banquet (http://vabaw.com/annualbanquet.aspx) was held on October 28, 2008 at the Triple Door. The theme for the evening was “Ambassadors to Our Communities.” (Xin tạm dịch: Đêm dạ tiệc lần thứ tư của Hội Luật sư Người Mỹ gốc Việt tiểu bang Washington đã được tổ chức vào ngày 28 tháng 10, 2008 tại nhà hàng Triple Door. Chủ đề của đêm ấy là “Những sứ giả của cộng đồng chúng ta.”)
---